Bệnh sởi là căn bệnh có tính lây nhiễm nhanh và khả năng cao trở thành dịch bệnh. Khi bị mắc bệnh nếu như bệnh nhân không được điều trị đúng cách sẽ rất dễ dẫn tới biến chứng nguy hiểm. Bệnh sởi không chỉ xuất hiện ở trẻ em mà còn xuất hiện cả ở người lớn.
Trong tháng 01/2025 toàn tỉnh Bình Thuận ghi nhận 738 trường hợp nghi Sởi. Trong đó có 18 trường hợp Dương tính với Sởi. Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm dễ gây dịch, lây qua đường không khí do virus sởi gây nên. Bệnh thường xảy ra theo mùa và hay gặp chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi với các triệu chứng như sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... Bệnh sởi tuy ít gây tử vong nhưng cũng có thể gây nhiều biến chứng như: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt và đôi khi viêm não sau sởi, đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng...
Cách phòng chống bệnh sởi hiệu quả nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh. Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh Sởi đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của cán bộ y tế tại các cơ sở tiêm chủng, đặc biệt là đối với trẻ dưới 5 tuổi.
Nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng việc ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và chất khoáng, đặc biệt là vitamin A. Đảm bảo vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường đặc biệt là những người tiếp xúc gần với bệnh. Thường xuyên làm sạch đồ chơi, đồ vật bị nghi ngờ ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng, hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch. Lau sàn nhà, bề mặt của đồ vật nghi ngờ bị ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng, hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch từ 1-2 lần/ngày.
Khi phát hiện trẻ có sốt, phát ban, cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời tránh các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh và tránh lây nhiễm cho cộng đồng.